Trong phần đối đáp, bị cáo Trương Mỹ Lan nhắc lại việc Ngân hàng SCB từ chối cung cấp số liệu, sau đó bị cáo Lan tự trình bày số liệu để chứng minh.
Ngày 26-11, phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị, tổ chức liên quan giai đoạn 1 tiếp tục phần đối đáp.
Bị cáo Trương Mỹ Lan là người đầu tiên thực hiện phần đối đáp. Nội dung chính mà bị cáo Lan muốn nhấn mạnh với HĐXX và đại diện VKS quan tâm xem xét đó là số liệu quy buộc trách nhiệm đối với bản thân về tội tham ô tài sản và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Cụ thể, bị cáo Lan nhắc lại rằng trong suốt quá trình xét hỏi và tranh luận tại tòa, bản thân bị cáo và đại diện VKS đã yêu cầu SCB cung cấp số liệu, thông tin để làm rõ các số liệu liên quan khoản nợ cũ trước thời điểm hợp nhất; dư nợ gốc và lãi đến thời điểm 31-12-2017; dư nợ gốc và lãi từ 1-1-2018 đến 7-10-2022 là thời điểm khởi tố vụ án. Trong đó, VKS cấp phúc thẩm yêu cầu SCB bóc tách trong tổng số dư nợ từng giai đoạn nêu trên, có bao nhiêu là vay để đảo nợ, bà Trương Mỹ Lan rút ra bao nhiêu tiền...
Bị cáo Trương Mỹ Lan không đồng tình việc SCB không cung cấp số liệu về các khoản dư nợ trước khi hợp nhất. Ảnh: NGUYỆT NHI
"Gốc rễ của vấn đề ngay từ đầu xuất phát từ việc SCB cung cấp số liệu mập mờ, nhập nhằng, không rõ ràng cho cơ quan điều tra dẫn đến số liệu quy buộc trách nhiệm hiện nay còn đang mập mờ. Nhưng đến phiên toà hôm nay, khi được yêu cầu làm rõ thì SCB lại không cung cấp. Việc SCB không cung cấp là có ý gì đây? Có mập mờ gì không? Số liệu mập mờ không rõ ràng đã ảnh hưởng đến biết bao nhiêu sinh mạng" - bị cáo Lan nói.
Do các số liệu trên không được SCB cung cấp nên LS của bị cáo Lan và bản thân bị cáo đã đưa ra những số liệu dựa trên kế hoạch tái cơ cấu SCB sau hợp nhất giai đoạn 2013- 2014, kế hoạch tái cơ cấu SCB (2015-2019) và giai đoạn tiếp theo, cho phép SCB được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với những khoản vay thuộc phương án cơ cấu đã được NHNN phê duyệt trong giai đoạn 2012-2014 và căn cứ dựa trên kết luận thanh tra để chứng minh tổng số dư nợ gốc và lãi cho đến thời điểm khởi tố vụ án thực chất là các khoản dư nợ đã được tái cơ cấu, trong vòng xoáy lãi nhập vốn liên tục (giới ngân hàng gọi là “nhồi lãi”).
Liên quan đến vấn đề này, trong phần đối đáp hôm qua (25-11), đại diện VKS lưu ý, SCB cho rằng "mình là bị hại và các thiệt hại đã được cơ quan tố tụng chứng minh, thể hiện trong quá trình điều tra, bản án sơ thẩm; SCB không cần cung cấp thêm tài liệu chứng minh" là hiểu chưa đúng và tự từ bỏ quyền lợi chính đáng của mình.
Theo quy định, bị hại đưa ra chứng cứ khác để yêu cầu bên gây thiệt hại bồi thường và bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu bên bị thiệt hại chứng minh thiệt hại của mình.